Tin tức

Nhiều loại rau đang bị ô nhiễm kim loại nặng

21/04/2020 NGUYỄN HỮU DỰ 0 Nhận xét

Nhiều loại rau sinh trưởng trong vùng đất thấp, ao hồ, kênh rạch như rau muống, rau nhút, rau cần, rau ôm, kèo nèo, ngó sen... sẽ dễ bị tích tụ những kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, thủy ngân... do nguồn nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thải ra kênh rạch chưa được xử lý triệt để đó là cảnh báo của các nhà chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những loại rau bị nhiễm kim loại nặng không thể nào xử lý hết chất độc trên rau cho dù đã được rửa sạch bằng nước rửa rau, kể cả nấu chín cũng không có tác dụng.

Bị ô nhiễm từ nước thải

Rau trồng ở các nơi có nhiều khu công nghiệp sẽ dễ bị nhiễm kim loại nặng từ các chất thải. Tại Bình Chánh khu vực xung quanh các khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân có khá nhiều người trồng rau muống nước, sen trên ruộng cũng như trên các ao có sẵn. Vùng này trồng lúa cho năng suất rất thấp cho nên nhiều hộ bỏ hẳn cây lúa chuyển qua trồng rau muống, sen do thu nhập cao gấp 2, 3 lần cây lúa mà không tốn nhiều chi phí. Theo bà  con trồng rau, sen ở Bình Chánh, không ai biết về vấn đề nhiễm độc kim loại nặng đối  với rau. Cho nên hầu hết đều sử dụng nguồn nước từ kênh, rạch kể cả khu vực lân cận các khu công nghiệp có nguồn nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp để tưới rau.

Rau trồng ở các nơi có nhiều khu công nghiệp sẽ dễ bị nhiễm kim loại nặng từ các chất thải

Kênh Tham Lương hứng nước thải của nhiều nhà máy trong khu vực với màu nước đen ngòm pha lẫn với màu đỏ hoặc nâu nhưng nhiều hộ trồng rau ở Tân Bình, Gò Vấp, Q.12 vẫn sử dụng. Con Suối Cái đi qua Q. Thủ Đức, Q.9 hứng nguồn nước thải từ nhiều nhà máy trong khu vực gây ô nhiễm nặng trong vùng đến nỗi không ai dám lội xuống suối vì sẽ bị ngứa, lở loét. Nước Suối Cái thường xuyên bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Có lúc nước  màu đỏ, có khi màu như nước gạo vo nhưng dân vẫn sử dụng nước để tưới rau. Chị Bùi Thị Hồi ở phường Linh Trung, Thủ Đức trồng rau muống sát cạnh Suối Cái cho biết, ở đây đâu có nước tưới rau, nên phải canh lúc nước suối  trong lấy lên tưới. Ông Tư Sua có 2 vuông trồng rau muống trên 1.000m2 bên cạnh Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, ông cũng như gần chục hộ trồng rau muống, rau nhút ở đây đều sử dụng nguồn nước thải từ bệnh viện.

Bị nhiễm từ nguồn phân chuồng

Tại một số khu vực ở Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Q.8 nhiều hộ gia đình sinh sống chủ yếu bằng cách cắt rau muống từ những đám rau sống trên kênh rạch mang ra chợ bán. Đối với nguồn rau này, theo kỹ sư Nguyễn Thiện, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, ngoài việc rau bị nhiễm các chất kim loại nặng còn bị nhiễm vi sinh gây các chứng bệnh sán, lãi.

Ông Huỳnh Thanh Hùng giảng viên khoa nông học Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, còn cho biết người trồng rau phần lớn đều sử dụng phân chuồng từ heo, gà, trâu, bò. Trong khi heo, gà hiện nay được nuôi từ thức ăn tổng hợp là khá phổ biến. Thức ăn tổng hợp không còn an toàn như trước, vì trong thành phần thức ăn tổng hợp có nhiều khoáng vi lượng Cu, Zn, Fe, Mn, Co... Hàm lượng kim loại nặng chứa trong phân sẽ xâm nhập vào đất trồng và tồn lưu trong các loại nông sản đặc biệt là đối với các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách.

Hàm lượng kim loại nặng chứa trong phân sẽ tồn lưu trong loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách.

Hàm lượng chì, kẽm, đồng khá cao

Đề tài nghiên cứu hàm lượng kim loại nặng trong bùn đáy, trong nước và trong một số loại rau thủy sinh như ngó sen, rau muống, rau nhút, kèo nèo của tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, thực hiện trong hai năm 1999 - 2000 cho thấy: Nhiều mẫu rau được lấy phân tích từ Thạnh Lộc (Q.12), kênh Tham Lương (Q.Tân Bình), nguồn nước thải từ Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, Xí nghiệp Sơn Hải, Xí nghiệp Dệt Thăng Long (Bình Chánh), Suối Cái (Thủ Đức) không an toàn. Rất nhiều loại bị ô nhiễm nặng.Hàm lượng kẽm trong mẫu rau muống ở Bình Chánh cao gấp 30 lần mức cho phép. Hàm lượng chì trong 2 mẫu rau nhút ở Thạnh Xuân có hàm lượng chì cao gấp 8,4 - 15,3 lần mức cho phép. Một mẫu rau muống ở Thạnh Xuân có hàm lượng chì cao gấp 2,24 lần  mức cho phép. Một mẫu rau muống ở Bình Chánh có hàm lượng chì cao gấp 3,9 lần mức cho phép. Một mẫu ngó sen ở Tân Bình có hàm lượng chì cao gấp 13,65 lần mức cho  phép. Hàm lượng kim loại đồng tại một ruộng rau muống ở Thạnh Xuân cao gấp 2 lần  mức cho phép. Hàm lượng kẽm tại các ao rau muống ở Thạnh Xuân cao gấp 2 - 4,12 lần mức cho phép. Một ao sen ở Thạnh Xuân có hàm lượng chì cao gấp 1,9 - 2,4 lần mức cho phép, ao rau nhút ở Thạnh Xuân có hàm lượng chì cao gấp 28,4 - 35,4 lần mức cho phép. 

Nhiều kim loại nặng ảnh hưởng xấu đến thần kinh, tóc, răng và gây ung thư

Theo giáo sư - tiến sĩ  Nguyễn Thị Kê, Trưởng Khoa Kiểm nghiệm trung tâm, Viện Vệ sinh Y tế công cộng: Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến rau bị nhiễm kim loại nặng là trồng rau gần cơ sở sản xuất, nguồn nước, vi lượng trong phân vượt quá hàm lượng, bón phân hóa học và thời gian khai thác rau. Một số kim loại nặng với hàm lượng thích hợp sẽ có lợi cho cơ thể nhưng nếu vượt mức cho phép sẽ gây ngộ độc. Ngoài ra, một số kim loại nặng khác xâm nhập vào cơ thể thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến thần kinh, tóc, răng, da, kể cả ung thư.

Long Giang

                                                                                                             

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: